Không thắt dây an toàn có thể gây ra các chấn thương nguy hiểm đối với cả lái xe và hành khách trên xe.
Lái xe an toàn không chỉ đòi hỏi việc điều khiển tay lái mà mắt, tai, não bộ và rất nhiều các giác quan khác phải làm việc cùng một lúc. Một chiếc ô tô luôn có những tính năng an toàn cơ bản mà bạn có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi để có một chuyến đi ô tô.
Ngày nay, với sự ra đời của những tính năng hiện đại, nhiều người dường như đã quên mất tầm quan trọng của những tính năng an toàn cơ bản này. Hãy cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây nhé!
Dây an toàn
Đứng đầu trong danh sách này phải kể đến dây an toàn. Dây an toàn có tác dụng cố định lái xe cũng như hành khách vào ghế, giữ cho người ngồi không bị văng ra ngoài hay lao về phía trước, giảm va chạm khi xe ô tô dừng đột ngột. Hay nói một cách chuyên môn hơn là triệt tiêu lực quán tính. Tất cả các loại ô tô hiện nay đều đươc trang bị dây đai an toàn 3 điểm. Không những vậy, hầu hết các mẫu xe hiện đại đều được trang bị thêm cả hệ thống cảnh báo không thắt dây an toàn.
Dây an toàn là một trong những tính năng an toàn cơ bản mà bất cứ xe ô tô hiện đại nào cũng có.
Dây đai an toàn đã được sử dụng để bảo đảm an toàn tính mạng cho người ngồi trên xe ô tô từ rất lâu. Trong những năm 30 của thế kỷ trước, dây đai an toàn đã được sử dụng như một tính năng an toàn thụ động của máy bay. 20 năm sau đó, các xe của Ford đã bắt đầu được trang bị tính năng này để đảm bảo an toàn cho người sử dụng và tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm. Tuy nhiên, loại dây đai này chưa đủ mạnh để triệt tiêu quán tính, khiến số lượng tử vong trong các vụ tai nạn vẫn không thực sự được giảm thiểu.
Năm 1959, Nils Bohlin, kỹ sư được Volvo mời về, đã cho ra mắt dây đai 3 điểm khắc phục hầu hết các điểm yếu của dây an toàn 2 điểm. Chiếc dây đai cải tiến này có khả năng giữ chặt, vai, ngực, xương chậu, giúp người sử dụng không bị lao về phía trước. Sau này, rất nhiều nghiên cứu và cải tiến được thực hiện. Trong đó, năm 1993 là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu thời điểm tất cả các loại xe được trang bị dây an toàn 3 điểm.
Có thể bạn đọc quan tâm: Kinh nghiệm lái xe: Những lưu ý đầu đời cho người mới
Gương chiếu hậu bên ngoài
Có 2 loại gương chiếu hậu gồm bên ngoài và bên trong xe. Trong đó, gương chiếu hậu bên ngoài thường được sử dụng một cách thường xuyên hơn cả. Nó được bố trí ở trên trụ A hoặc trên cánh cửa phía trước.
Tác dụng là giúp lái xe quan sát phía sau cả ở bên trái và bên phải, đồng thời trở thành một trang bị an toàn không thể thiếu mỗi khi lái xe rẽ hoặc thực hiện chuyển làn. Vì vậy, trước khi bắt đầu lái, cần chỉnh gương chiếu hậu bên cho chuẩn để tránh những tai nạn đáng tiếc.
Gương chiếu hậu ở hai bên thân xe rất quan trọng khi lái xe chuyển làn hoặc rẽ.
Gương chiếu hậu bên trong
Gương chiếu hậu bên trong xe được lắp ở phía trên kính chắn gió, ngay trước mặt của lái xe. Từ trước khi camera lùi ra đời, loại gương này đã là một bộ phận quan trọng của các phương tiện giao thông, đặc biệt là ô tô, từ những năm đầu của thế kỷ 20. Đúng như cái tên của nó, chức năng của gương chiếu hậu bên trong xe là giúp lái xe quan sát được phía sau ô tô một cách trực diện.
Mặc dù là một trong những bộ phận cơ bản nhất của một chiếc xe ô tô, nhưng loại gương này lại thường xuyên bị quên lãng. Cùng với gương chiếu hậu ở hai bên thân xe, khi được điều chỉnh chuẩn xác, gương chiếu hậu trong xe sẽ giúp bạn quan sát tốt toàn bộ phía sau xe và lái xe an toàn.
Gương chiếu hậu trong xe đã bắt đầu xuất hiện trên xe ô tô rất lâu trước khi camera lùi ra đời.
Đèn xi nhan
Một trong những điều gây ức chế nhất khi tham gia giao thông là lái xe không bật đèn xi nhan khi rẽ hoặc chuyển làn. Lỗi không bật đèn xi nhan khi chuyển làn đường không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc bị phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng, tước Bằng lái xe từ 01 – 03 tháng (theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Sở dĩ mức phạt nặng như vậy là vì việc quên không xi nhan có nguy cơ gây ra những tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Lỗi không bật đèn xi nhan khi chuyển làn có thể bị phạt tới 05 triệu đồng.
Hệ thống đèn chiếu sáng
Các phương tiện giao thông phải sử dụng đèn chiếu sáng trong một số trường hợp cụ thể, nếu vi phạm hoặc sử dụng đèn sai quy định sẽ bị phạt với các mức phạt khác nhau. Độc giả có thể tham khảo các vi phạm và các mức phạt tương ứng tại đây.
Lưu ý khi sử dụng hệ thống đèn chiếu sáng:
-
Không sử dụng đèn pha khi đi trong nội thành, khu đô thị, khu đông dân cư, nơi có nhiều người dân, phương tiện đi lại để tránh làm chói mắt người lái đi ở chiều ngược lại.
-
Khi lái xe vào ban đêm trên đường cao tốc, người lái có thể sử dụng đèn pha, nhưng khi gặp xe đi ngược chiều, cần giảm tốc độ, chuyển đèn pha sang đèn cos cho đến khi xe ngược chiều đã đi qua.
-
Không sử dụng đèn nháy khẩn cấp: Loại đèn này sẽ khiến các xe khác nghĩ rằng bạn đang gặp vấn đề và phải dừng lại. Điều này sẽ gây ra những tai nạn đáng tiếc nếu như họ cố vượt xe bạn. Hơn nữa sử dụng loại đèn này cũng làm cho hệ thống đèn xi nhan không hoạt động được.
-
Thường xuyên bảo dưỡng hệ thống đèn chiếu sáng ô tô, chỉnh đúng luồng sáng của đèn pha và cos để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Hệ thống đèn chiếu sáng rất quan trọng, giúp lái xe nhìn rõ hơn vào ban đêm
Trên đây là 5 tính năng an toàn cơ bản của ô tô mà lái xe đôi khi quên lãng và lầm tưởng chúng chỉ đơn thuần là các bộ phận của ô tô. Mặc dù vậy, các tính năng này lại đóng vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo một chuyến đi an toàn cho cả lái xe và hành khách trên xe.
Hy vọng với bài viết này, các bạn sẽ hiểu hơn về các tính năng an toàn của ô tô và sử dụng chúng đúng cách. Để tìm hiểu các kinh nghiệm lái xe khác, mời bạn đọc truy cập tại đây.