Thói quen hàng ngày khi lái xe đôi khi đã trở thành nguyên nhân của những trường hợp tai nạn đáng tiếc khi tham gia giao thông trên đường cao tốc: chạy xe dưới tốc độ tối thiểu, không giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước, dừng/đỗ tùy tiện, quay đầu xe… Nhưng lưu ý sau sẽ giúp bạn có những chuyến đi an toàn cùng bạn bè, người thân.
– Ngoài các vấn đề kỹ thuật đảm bảo an toàn cho xe, đặc biệt phải lưu ý đến lốp xe bởi khi chạy với tốc độ cao, nhiệt độ ngoài trời cao, hàng hóa chở nhiều…; do đó, với những bộ lốp “tuổi đời” cao, mòn nhiều cần đặc biệt cẩn trọng (nổ lốp xe khi đang đi tốc độ cao là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến tai nạn).
– Đảm bảo tốc độ theo hệ thống biển báo trên đường, giảm tốc độ phù hợp ở những đoạn đường cong, có nhiều phương tiện (cho dù ở làn đường khác) hoặc chướng ngại vật… Tránh nhìn tập trung vào một điểm quá lâu, đặc biệt các đoạn đường cong hay lên/xuống dốc (dễ dẫn đến trường hợp “khóa mục tiêu” khiến xe đi thẳng đến điểm đó).
– Giữ khoảng cách an toàn với quy tắc 3 giây (Bạn nhìn xe phía trước chạy qua một vật cố định nào đó ở bên đường: cột đèn, biển báo… và bắt đầu đếm ước lượng từ 1 đến 3, khoảng thời gian tưởng ứng đủ 3 giây). Nếu trời mưa hoặc tầm quan sát bị ảnh hưởng, thì nên tăng lên 4-5 giây. Hãy chú ý các biển chỉ dẫn lưu ý khoảng cách 50 – 100 – 200m.
– Không bao giờ lùi xe, quay đầu xe, đi ngược chiều trên đường cao tốc. Không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường.
– Khi vào hoặc ra khỏi đường cao tốc phải giảm tốc độ và nhường đường cho xe đi trên làn đường chính. Chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép, khi chuyển làn luôn chú ý phía sau và luôn xi-nhan. Không chuyển làn kiểu cắt đầu xe khác và chuyển nhiều làn đường cùng một thời điểm.
– Người điều khiển và người ngồi trong xe ôtô đều phải thắt dây an toàn. Bởi khi lưu thông với tốc độ cao (100km/h), thì thắt dây an toàn cho mọi người trên xe là việc cần thiết hơn bao giờ hết.
– Dừng/đỗ xe đúng nơi quy định: Trong trường hợp cần dừng xe khẩn cấp, phải đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy, nếu không được phải tìm mọi cách báo hiệu để người lái xe khác được biết.
– Tránh tối đa việc thực hiện các thao tác khác có thể ảnh hưởng đến việc lái xe: chỉnh điều hòa, âm thanh, sử dụng điện thoại di động, tìm đồ vật… Khi lưu thông ở tốc độ cao thì chỉ một sơ xuất thao tác cũng có thể gây mất lái.
– Cẩn thận khi sử dụng các loại thuốc an thần hoặc có tác dụng ức chế thần kinh. Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng; một số loại thuốc có thể ảnh hưởng tới khả năng lái xe của bạn.
– Lái xe ban đêm rất nguy hiểm, nhất là từ 0h đến 6h sáng, bởi đó là lúc cơ thể cần nghỉ ngơi nhất. Trong những trường hợp bất khả kháng, phải lái xe ban đêm, nếu gặp cơn buồn ngủ, bạn hãy tìm một trạm dừng chân hoặc một chỗ được phép đỗ để nghỉ ngơi (nhớ bật đèn cảnh báo), chợp mắt 15 – 30 phút sẽ giúp bạn lấy lại sức khỏe để tiếp tục lên đường.