Thắt dây đai an toàn: Tránh bị phạt hay để cứu mạng?
Trang chủ » Thắt dây đai an toàn: Tránh bị phạt hay để cứu mạng?
Dây đai an toàn là một trong các tính năng không thể thiếu của các xe ô tô ngày nay.
Dây đai an toàn là một tính năng cơ bản của hầu hết mọi chiếc ô tô ngày nay. Nó xuất hiện từ rất lâu và cơ bản đến nỗi nhiều người quên mất sự tồn tại của nó, chủ quan, coi thường tầm quan trọng của tính năng này.
Nguồn gốc dây đai an toàn
Trong những năm 30 của thế kỷ trước, máy bay đã được trang bị dây đai an toàn. 20 năm sau đó, Ford là hãng xe tiên phong trong việc đầu tư trang bị này cho các mẫu xe của mình nhằm tăng sức hút cho sản phẩm và đảm bảo an toàn cho người dùng.
Tuy nhiên, loại dây đai 2 điểm này chưa đủ mạnh để triệt tiêu lực quán tính, khiến cho số lượng người tử vong trong các vụ tai nạn vẫn không thực sự được giảm thiểu. Đến năm 1959, Nils Bohlin, người được Volvo thuê để nghiên cứu về chiếc dây đai an toàn cải tiến hơn, cho ra mắt dây đai an toàn 3 điểm.
Chiếc dây đai này đã cải thiện được hầu hết các nhược điểm của dây đai 2 điểm, có khả năng giữ chặt được vai, ngực, xương chậu, giúp người ngồi không bị văng ra ngoài hay lao về phía trước. Sau này, dây đai an toàn đã trải qua rất nhiều nghiên cứu, cải tiến và vẫn giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ sự an toàn của người dùng.
Dây đai an toàn 3 điểm (phải) đã khắc phục được hầu hết các nhược điểm của dây đai an toàn 2 điểm (trái)
Nguyên lý hoạt động của dây đai an toàn
Dây đai an toàn có cấu tạo rất đơn giản, thường bao gồm dây đai và khóa. Dựa trên cảm biến va chạm, thông tin được truyền tới bộ điều khiển dây đai để tự động siết chặt, giữ cho người dùng không bị lao ra khỏi ghế khi xảy ra va chạm.
Theo một cuộc điều tra, các lái xe chỉ có thể tự bảo vệ bản thân khỏi các chấn thương khi xe di chuyển với vận tốc 5 km/h. Còn khi xe ô tô di chuyển với vận tốc 70 km/h, người ngồi trong xe cũng di chuyển với vận tốc gần như vậy.
Vì vậy nếu như xe ô tô đột ngột dừng lại mà người ngồi trong xe không thắt dây an toàn, theo quán tính, sẽ tiếp tục lao về phía trước, đập vào vô lăng, bảng táp lô, kính chắn gió. Thậm chí, nếu xe đang di chuyển với vận tốc lớn, người có thể bay xuyên qua kính chắn gió và tiếp tục va đập với các vật thể khác. Nhờ có cảm biến va chạm, dây đai sẽ tự động siết chặt lại, giữ cho cơ thể cố định trên ghế, hạn chế các chấn thương.
Dây đai an toàn giúp cố định người ngồi vào ghế, nhờ đó người không bị văng ra khi xảy ra va chạm.
Nguyên nhân của việc không cài dây an toàn
Các ô tô hiện đại ngày nay thậm chí còn được trang bị hệ thống cảnh báo không thắt dây đai an toàn. Ấy vậy mà các lái xe và hành khách không biết là do vô tình hay hữu ý, vẫn không chịu cài dây an toàn, mặc cho hệ thống cảnh báo cứ liên tục réo. Một số lý do thường được dùng để ngụy biện cho hành vi này như sau.
Nhiều người cho rằng xe của mình được trang bị túi khí, vậy là đủ, không cần cài dây an toàn nữa. Thực tế, trong khi túi khí là tính năng an toàn thụ động thì dây đai an toàn lại là tính năng chủ động. Nói cách khác, dây đai an toàn là một trong những tính năng an toàn đầu tiên và thiết yếu nhất, giúp hạn chế những chấn thương do gia tốc gây ra.
Trong khi đó, túi khí là một trong những thiết bị an toàn thứ cấp, nhằm nâng cao hiệu quả của dây đai an toàn. Túi khí chỉ thật sự phát huy tối đa hiệu quả bảo vệ người ngồi khi họ cài dây an toàn, nếu không, túi khí có thể gây chấn thương nặng hơn hoặc tử vong.
Thắt dây an toàn rất quan trọng, giúp bảo vệ mạng sống của chính người lái và hành khách trên xe.
Cụ thể, nếu vụ va chạm từ nhiều góc khác nhau mà người lái không cài dây an toàn thì khả năng lao sang các hướng khác nhau là rất cao và túi khí gần như không có tác dụng. Hơn nữa, một túi khí bung có tốc độ tới 300 km/h nên nếu bung không đúng cách thì tính năng an toàn này lại trở nên rất nguy hiểm.
Vì vậy, khi va chạm chưa đủ mạnh, thì túi khí sẽ không nổ. Chỉ có dây đai an toàn là luôn bảo vệ cho người ngồi trong mọi trường hợp. Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác như là người lái tự tin vào khả năng của mình, khoảng cách di chuyển ngắn, cảm thấy không thoải mái, dễ làm nhăn quần áo.
Tất cả những lý do này đều là những lời ngụy biện cho việc thiếu trách nhiệm với tính mạng của chính bản thân mình và các hành khách trên xe.
Mức phạt cho hành vi không thắt dây an toàn
Nghị định 100/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 tăng mạnh nhiều mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Một trong số đó là hành vi không thắt dây an toàn.
Theo quy định mới, cả người điều khiển xe ô tô và cả người ngồi trên xe (tại vị trí có trang bị dây an toàn) mà không thắt dây an toàn thì sẽ bị phạt:
-
Phạt tiền từ 800.000 đồng – 01 triệu đồng: Tài xế không thắt dây an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường; Chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (Tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.
-
Phạt tiền từ 300.000 – 500.000 đồng: Người được chở trên xe ô tô không thắt dây an toàn (Tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy.
Mặc dù mức phạt có tăng, tuy nhiên việc không thắt dây an toàn khi đi ô tô vẫn còn rất phổ biến ở Việt Nam. Chính vì vậy, mỗi người cần có ý thức thắt dây an toàn mỗi khi lên xe để bảo vệ mạng sống của mình cũng như của các hành khách trên xe.