Chia sẻ kỹ thuật đánh lái xe ô-tô

Cầm vô lăng và đánh lái là những thao tác chiếm phần lớn thời gian của chúng ta khi lái xe. Nếu thực hiện đúng kỹ thuật, chúng ta không chỉ kiểm soát tay lái linh hoạt, nắm phần chủ động trong những tình huống cần phản ứng nhanh mà còn tránh được những chấn thương nguy hiểm nếu chẳng may tai nạn xảy ra. Trong bài này mình sẽ chia sẻ về cách cầm vô lăng, 2 kỹ thuật đánh lái chúng ta thường dùng, và lưu ý nhỏ về thói quen không tốt khi đánh lái.

Cách cầm vô lăng

Xem vô lăng của chúng ta như 1 mặt đồng hồ, thì tư thế cầm vô lăng tối ưu là tay phải ở vị trí số 3 và tay trái đặt ở vị trí số 9 với 2 ngón tay cái bè ra như hình trên. Đây là kỹ thuật lái xe cơ bản mà hầu như ai cũng được dạy khi bắt đầu học lái. Sở dĩ tư thế này được nhiều chuyên gia khuyến khích là vì 2 tay chúng ta luôn ở vị trí cân bằng trên vô lăng, để khi đánh lái qua trái hay phải sẽ không bị hụt.

Ngoài ra khi đi quãng đường dài, ít phải đánh lái chuyển hướng nhiều, chúng ta có thể cầm vô lăng thay đổi qua lại giữa các vị trí số 2,3 và 9,10. Như mình trước đây có thói quen cầm ở vị trí số 2 và 9 hoặc số 3 và 10. Tuy nhiên vị trí số 2 và 9 lại khiến mình bị hụt 1 khoảng khi đánh lái sang trái và ngược lại với vị trí 3 và 10. Tóm lại, cầm vô lăng đúng cách, tốt nhất ở vị trí 3 và 9, sẽ giúp chúng ta đánh lái được thuận tiện và linh hoạt hơn.

Một lưu ý nhỏ là chúng ta cũng nên hạn chế đánh lái bằng 1 tay, trừ trường hợp 1 tay phải thao tác với cần số hay cần thư giãn khi phải cầm lái trên quãng đường dài. Một số người thường bỏ cả 2 tay ra khỏi vị trí cầm lái khi vô lăng trợ lực bắt đầu tự trả lái sau khi vào cua. Đây là thói quen không tốt vì sẽ làm chậm phản ứng của chúng ta chẳng may có tình huống bất ngờ xảy ra.

Kỹ thuật đánh lái

1. Đánh lái chéo tay(hand-over-hand) – chỉ nên áp dụng tốc độ dưới 25km/h

Đây là kỹ thuật mà hầu như ai lái xe cũng biết và được nhiều người sử dụng nhiều nhất. Về cơ bản, tay chúng ta sẽ thay phiên bắt chéo để kéo vô lăng về phía chúng ta muốn rẽ. Kỹ thuật đánh lái chéo tay này giúp chúng ta có thể đánh lái được 1 góc lớn trong khoảng thời gian ngắn nên phù hợp trong điều kiện lưu thông trong đô thị. Bên cạnh đó, kỹ thuật đánh lái chéo tay cũng giúp tận dụng lực tay nhiều hơn để chúng ta ta đánh lái nhẹ nhàng trên những xe có vô lăng nặng.

Tuy nhiên, kỹ thuật này có mặt hạn chế là tay chúng ta vẫn mất một khoảng thời gian di chuyển giữa các vị trí, do đó không bám theo vô lăng. Điều này sẽ phần nào làm giảm đi khả năng xử lý tay lái ở tốc độ cao hay có tính huống bất ngờ. Ngoài ra, nếu có tai nạn xảy ra ở tốc độ có thể làm túi khí bung mà tay chúng ta vẫn còn ở vị trí bắt chéo cũng sẽ gây ra những chấn thương nguy hiểm cho vùng mặt.

2. Đánh lái kéo-đẩy(push & pull) – áp dụng khi rẽ tốc độ cao

Kỹ thuật này có phần nâng cao hơn so với kỹ thuật kéo đẩy phía trên và nên sử dụng khi rẽ ở tốc độ cao. Chi tiết thao tác kỹ thuật này các bạn tham khảo trong clip trên hoặc hình ảnh minh họa bên dưới.

Bước 1: đầu tiên chúng ta sẽ kéo 2 tay đặt ở vị trí 12 giờ trên vô lăng

Bước 2: muốn rẽ hướng nào, chúng ta sẽ dùng bàn tay ở hướng đó để chủ động đánh vô lăng. Ở đây là về bên trái nên mình sử dụng tay trái để kéo vô lăng xuống. Tay còn lại(tay phải) để hờ và cũng di chuyển cùng lúc với tay kia xuống phía dưới​
 

 Bước 3: sau khi 2 tay gặp nhau ở vị trí 6 giờ thì tay trái sẽ truyền lại cho tay phải phần chủ động động kéo vô lăng lên ngược phía trên. Lúc này thì tay trái sẽ để hờ theo và di chuyển cùng lúc với tay phải ngược lên vị trí 12 giờ. Và cứ thế lặp lại như bước 2 và 3 với 2 bàn tay thay phiên nhau đánh vô lăng.

Kỹ thuật đánh lái kéo-đẩy này khắc phục những nhược điểm của kỹ thuật đánh lái chéo tay khi đi ở tốc độ cao. Nó giúp chúng ta đánh lái được mượt hơn, định hướng chiếc xe chính xác hơn cũng như là ít phải dùng quá nhiều lực khiến tay chúng ta mau mỏi lái xe đường dài.

Những tư thế đánh lái nên tránh và cách cầm vô lăng khi lùi

Cách đánh lái dùng lòng bàn tay để vê vô lăng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ví dụ như lòng bàn tay chúng ta ra mồ hôi thì nó sẽ có xu hướng gây trượt trên vô lăng. Hay khi trợ lực tay lái điện trên xe can thiệp quá nhiều sẽ khiến việc kiểm soát hướng đi không còn chính xác, nhiều khả năng là dư lái.

Để 2 tay trong lòng vô lăng như thế này để dễ dàng bấm còi cũng là tư thế cần tránh. Vì nó sẽ khiến 2 bàn tay chúng ta bị gò bó cũng như gây hạn chế khả năng xử lý trong những tình huống bất ngờ ở tốc độ cao.

Khi lùi xe, chúng ta có thể cầm vô lăng bằng 1 hay cả 2 tay sao cho việc xoay trở dễ dàng được dễ dàng và bản thân chúng ta quan sát các góc xung quanh xe được bao quát nhất.

Tổng hợp từ tinhte và tài liệu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Mỹ NHTSA

 

TIN TỨC LIÊN QUAN

ĐĂNG KÝ KHÓA HỌC

GIẢM NGAY 1.500.000đ

CHỈ CÒN 15 SUẤT