Skip to content

Mang điện thoại vào phòng sát hạch GPLX bị đình chỉ 5 năm

Trong văn bản yêu cầu sở GTVT các tỉnh, các cơ sở đào tạo và trung tâm sát hạch lái xe siết chặt quản lý việc đào tạo, sát hạch và cấp đổi GPLX, Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu thực hiện nghiêm việc cấm học viên mang điện thoại vào phòng sát hạch lý thuyết và lên xe.

“Các trung tâm sát hạch GPLX đảm bảo các học viên không được mang điện thoại di, các thiết bị viễn thông vào phòng sát hạch lí thuyết và trên xe sát hạch lái xe trong sa hình. Trường hợp học viên cố tình sử dụng các thiết bị này, các trung tâm phải lập biên bản huỷ bỏ kết quả sát hạch và không cho phép học viên tham dự sát hạch trong thời gian 5 năm theo quy định”, Tổng cục Đường bộ yêu cầu.

Đối việc thi lí thuyết lấy GPLX hạng A1 (cho xe môtô từ 50cm3 đến dưới 175cm3) quy định mới đòi hỏi các trung tâm phải thường xuyên đảo đề thi trắc nghiệm lí thuyết trên giấy sát hạch để tránh trường hợp “học vẹt”. Học viên không trúng tuyển được phép đăng ký với cùng một cơ quan quản lí sát hạch GPLX trong thời gian tối thiểu là 1 tháng (kể từ ngày không trúng tuyển), để đảm bảo thời gian ôn luyện lại cho học viên.

Để ngăn ngừa tình trạng thí sinh không biết chữ tham gia sát hạch lái xe, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các học viên phải khai đầy đủ thông tin, kí/ghi rõ họ tên trong đơn đề nghị học/sát hạch lái xe cũng như trong các biên bản sát hạch lí thuyết, thực hành. Cơ sở đào tạo nào để xảy ra trường hợp này sẽ bị xử lí theo quy định.

“Đặc biệt, các trung tâm sát hạch có sân thi GPLX hạng FC phải khẩn trương cố định cọc chuẩn và vỉa hè trong sa hình ở các bài thi ghép xe và tiến qua đường vòng vèo, phải lắp camera giám sát quá trình sát hạch và phải lưu dữ liệu tại trung tâm trong thời gian tối thiểu là 1 năm”, văn bản của Tổng cục Đường bộ VN nêu.

Ngoài ra, để phối hợp tốt với các cơ quan quản lí khác, như: CSGT, Tổng cục Đường bộ yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải thống kê và báo cáo đầy đủ thông tin về đơn vị đào tạo, sát hạch cũng như quá trình sử dụng GPLX, thâm niên của lái xe… để có thông tin tra cứu trong các trường hợp gây tai nạn nghiêm trọng.

Cùng đó, trước việc ngày càng có nhiều người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam, cũng như Việt Kiều về sinh sống tại quê nhà, Tổng cục Đường bộ cũng nhấn mạnh việc siết chặt quản lí việc cấp đổi GPLX để ngăn chặn việc sử dụng GPLX không hợp lệ ở nước ngoài để đổi sang GPLX Việt Nam.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, sau những chỉ đạo siết chặt công tác đào tạo và sát hạch GPLX, thời gian tới đây cơ quan này cũng sẽ đưa ra thêm các yêu cầu mới đối với việc theo dõi sức khoẻ định kỳ của lái xe.

(Trích Báo Giao Thông)

TIN TỨC LIÊN QUAN