Ngành công nghiệp ô tô ngày càng phát triển, bên cạnh các loại động cơ đốt trong truyền thống, các loại xe sử dụng động cơ điện cũng đang “manh nha” xuất hiện. Không chỉ trên thế giới, ngành công nghiệp xe ô tô điện tại Việt Nam cũng đang phát triển từ sự phổ biến biến thể hybrid cho đến các dòng xe chạy hoàn toàn bằng điện.
Thời gian gần đây, ô tô điện nhận được nhiều sự quan tâm của người dùng hơn. Xuất phát từ việc hãng xe Việt Nam ra mắt mẫu xe điện đầu tiên mang tên VF e34, sắp tới VF e35 và VF e36.
Sự khác biệt giữa xe điện và xe xăng
Về cơ bản, sự khác biệt giữa động cơ điện và động cơ xăng chính là nhiên liệu. Ô tô điện dùng hệ thống pin để cung cấp điện cho động cơ vận hành. Trong khi đó, các loại xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xăng, dầu) để tạo ra động năng để vận hành xe.
Từ sự khác biệt này, dẫn tới sự khác biệt tiếp theo, xe điện có ít thành phần cấu tạo hơn xe xăng. Động cơ của xe điện là môtơ nên có cấu tạo đơn giản hơn nhiều so với các loại động cơ đốt trong. Chúng ta sẽ quên đi các bộ phận như: piston, xi-lanh, trục khuỷu, bánh răng, hệ thống lọc nhiên liệu…
Cấu tạo của xe điện khá đơn giản.
Cũng chính bởi ít linh kiện và các thành phần bên trong hơn, nên xét ở cùng một kích thước, xe điện luôn có nhiều không gian hơn so với xe sử dụng động cơ đốt trong truyền thống.
Khi xét về hiệu suất, động cơ điện cũng tỏ ra vượt trội hoàn toàn so với động cơ đốt trong. Động cơ đốt trong chuyển hóa nhiệt năng thành cơ năng, cần trải qua quá trình đốt cháy nhiên liệu và thời gian thực hiện giữa các bộ phận làm cho một lượng nhiệt lớn bị hao tốn từ thành xi-lanh. Theo tính toán, hiệu suất thực tế của động cơ chỉ duy trì ở mức 35%.
Ở động cơ điện, quá trình chuyển hóa điện năng thành cơ năng cũng sinh nhiệt nhưng không đáng kể vì mô-men xoắn được truyền thẳng đến các bánh xe, không qua các bộ phận trung gian. Vì vậy, hiệu suất đạt xấp xỉ 90%, cao hơn nhiều lần so với động cơ truyền thống.
Động cơ điện tăng tốc nhanh và gần như không có độ trễ vì nó tạo ra mô-men xoắn cao ngay tại dải vòng tua thấp, ngay cả khi mới khởi động. Khái niệm “mô-men xoắn cực đại đạt được ở vòng tua…” không tồn tại với xe điện, vì ở dải tua nào mô-men xoắn cũng tối ưu như nhau.
Trái ngược lại, động cơ đốt trong cần độ trễ nhất định để tạo ra mô-men xoắn cực đại. Ở trạng thái khởi động, vòng tua máy thường dao động trong khoảng 1.000 vòng/phút và tăng dần khi người lái tăng tốc độ. Vòng tua máy càng cao, công suất tạo ra càng lớn, di chuyển càng nhanh.
Một sự khác biệt nữa là phạm vi di chuyển của hai loại xe này. Xe điện thì chỉ di chuyển trong một phạm vi nhất định, sau đó người lái cần phải sạc pin, ít nhất là 15 phút để tiếp tục di chuyển. Trong khi xe xăng không bị giới hạn phạm vi bởi chỉ mất vài phút đổ xăng là đã có thể tiếp tục hành trình.
Có nên mua xe điện?
Hiện nay, ở nước ta, xe điện không được ưa chuộng bằng xe xăng bởi có một số hạn chế. Đầu tiên, hệ thống trạm sạc điện vẫn chưa đủ đạt độ phủ rộng. Thứ hai, giá xe ô tô điện vẫn còn đắt đỏ hơn nhiều xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch. Thứ ba, sản phẩm không đa dạng.
Đây chính là những “rào cản” khiến người mua còn chần chừ để chuyển sang loại xe mới. Nhưng theo các chuyên gia, Mua xe điện ‘lợi đủ đường’ so với xe xăng ở thời điểm hiện tại. Mặc dù chi phí ban đầu bỏ ra khi mua xe là nhiều hơn, nhưng xét về chi phí vận hành, nuôi xe điện vẫn rẻ hơn xe xăng.
Chi phí nuôi xe điện rẻ hơn nhiều so với xe xăng.
Lấy ví dụ, hãng xe điện Việt Nam, VinFast có chính sách thuê pin với mức giá 1,45 triệu đồng/tháng cho 1.400 km. Vượt 1.400 km khách hàng phải trả thêm 998 đồng/km. So với xe xăng, người dùng sẽ tiết kiệm được khoảng 700.000 đồng/tháng.
Minh chứng, lấy mốc trung bình 1.400 km, nếu đi xe đổ xăng, tính trung bình 100 km sẽ mất khoảng 10 lít xăng RON 95 x 20.000đ/lít = 200.000 đồng. Với 1.400 km xe xăng sẽ mất khoảng 2,8 triệu đồng. Với xe Vinfast, cũng ở mức 1400 km/tháng, người dùng sẽ phải chi khoảng 670.000 đồng tiền điện mỗi tháng (theo tính toán của nhà sản xuất). Nếu cộng chi phí thuê pin là 1,450 triệu đồng và sạc điện 670.000 đồng thì chi phí sử dụng mỗi tháng mất 2,12 triệu đồng.
Bên cạnh đó, chi phí chăm sóc bảo dưỡng xe điện cũng rất rẻ, người dùng không cần phải thay dầu và nước làm mát. Theo các tổ chức nghiên cứu trên thế giới, ô tô điện hầu như không phải thực hiện bảo dưỡng liên quan đến hệ truyền động trong khoảng 1-2 năm đầu tiên.
Một bộ pin cho ô tô điện có tuổi thọ trung bình kéo dài từ 10 – 20 năm trước khi cần thay thế. Như hãng Kia bảo hành dung lượng pin từ 3-10 năm tương đương 150.000 km. Chính vì vậy, chi phí bảo dưỡng xe ô điện chỉ tương đương với 25-30% xe sử dụng động cơ đốt trong. Đối với xe ô tô điện chạy 40.000km, chi phí bảo dưỡng chỉ khoảng 4-5 triệu đồng.