Skip to content

Tìm hiểu ý nghĩa và tác dụng của 5 loại Biển báo giao thông Đường bộ Việt Nam

Thi Lý Thuyết B2 sẽ tổng hợp lại tất cả 5 loại biển báo giao thông đường bộ và phân tích cũng như mang đến các mẹo với mục đích để giúp các bạn ghi nhớ những loại biển báo quan trọng và thường gặp.

Đặc biệt là các thí sinh đang ôn thi lý thuyết B2, các bạn có thể tham khảo bài viết này để tự tin hơn khi gặp các dạng đề về biển báo trong thi B2.

Thông tin trong bài viết này được dựa theo Luật số 23/2008/QH12 của Quốc hội về LUẬT GIAO THÔNG ĐƯỜNG BỘ. Cụ thể tại mục số 4, điều 10, chương II – Quy tắc giao thông đường bộ, biển báo giao thông đường bộ bao gồm 5 nhóm biển báo:

  1. Biến báo cấm
  2. Biển báo nguy hiểm
  3. Biển hiệu lệnh
  4. Biển chỉ dẫn
  5. Biển phụ

Dưới đây, hãy cùng mình phân tích 5 nhóm biển báo một cách cụ thể hơn với cách ghi nhớ cực hiệu quả nhé!

1. Biển báo cấm

Biển báo cấm là nhóm biển báo với mục đích biểu thị các tác vụ mà người tham gia giao thông không được thi hành. Trong đó, có 56 biển báo (39 loại) và được đánh số từ 101 đến 139.

hình ảnh các biển báo cấm
56 biển báo cấm

Biển báo cấm có hình tròn viền đỏ, và nền màu trắng đặc trưng, các bạn có thể ghi nhớ bằng cách này để khi đi thi B2 có thể nhận ra ngay.

2. Biển báo nguy hiểm

Mục đích của nhóm biển báo này là để cảnh báo các tình huống nguy hiểm có thể xảy ra cho người tham gia giao thông.

Nếu gặp phải biển báo nguy hiểm trên đường, người điều khiển phương tiện cần làm theo những bước sau:

  1. Điều chỉnh tốc độ chậm lại (giảm tốc). Mục đích là để có thêm thời gian nhận diện nội dung của biển báo nguy hiểm.
  2. Xem và hiểu nội dung của biển báo
  3. Sau khi nhận biết được nguy hiểm, đưa ra các phương án xử lý phù hợp

Hiện nay, có tất cả 46 loại biển báo nguy hiểm đang được ứng dụng, đánh số từ 201 đến 246 trong hệ thống luật giao thông đường bộ.

hình ảnh các biển báo nguy hiểm
Biển báo nguy hiểm

Các loại biển báo nguy hiểm thường có hình tam giác vàng viền màu đỏ và các chi tiết được thể hiện bằng màu đen. Phần viền của các biển báo nguy hiểm được bo tròn nhẹ.

3. Biển hiệu lệnh

Nhóm biển báo này biểu thị các hiệu lệnh mà người tham gia giao thông phải tuân theo. Thông thường là các hiệu lệnh yêu cầu người tham gia giao thông phải chuyển hướng, chuyển làn, hay điều chỉnh tốc độ.

Có tất cả 9 loại biển hiệu lệnh được đánh số từ 301 đến 309.

hình ảnh của các biển báo hiệu lệnh
Biến hiệu lệnh

Các biển báo hiệu lệnh được thiết kế với hình tròn (đường kính khoảng 70 cm), có màu xanh dương nhạt làm nền, và các chi tiết có màu trắng.

4. Biển chỉ dẫn

Biển chỉ dẫn là những biển báo chỉ dẫn hướng đi hoặc các điều cần biết cho người tham gia giao thông. Hiểu đơn giản, đây là nhóm biển hướng dẫn cho người tham gia giao thông.

Vì thế, các biển báo thường sẽ rất chi tiết và dễ hiểu, được biểu thị bằng những kí hiệu dễ nhận dạng.

Hiện nay (năm 2021), có tất cả 48 loại biển chỉ dẫn, được đánh số từ 401 đến 448 trong hệ thống luật đường bộ Việt Nam.

các loại biển chỉ dẫn
Biển chỉ dẫn

Biến chỉ dẫn thường được thiết kế hình vuông hoặc chữ nhật với màu nền xanh dương nhạt. Các thông tin cũng được biểu thị với màu trắng, tuy nhiên, cũng có nhiều màu khác như đen, vàng, đỏ được sử dụng.

5. Biển phụ

Biển phụ là những biển báo nhằm bổ sung và hỗ trợ truyền đạt thông tin cho 4 loại biển báo nêu trên. Các biển báo phụ thường nằm bên dưới các biển báo chính để bổ sung hay cụ thể hóa đối tượng áp dụng cho 4 biển báo chính.

Theo như luật giao thông Việt Nam năm 2021, có tất cả 10 loại biển phụ, được đánh số từ 501 đến 510.

các loại biển báo giao thông phụ
Biển phụ

Biển báo phụ có hình vuông hay hình chữ nhật màu trắng với viền đen đậm. Các chi tiết bên trong thường có màu đen hoặc đỏ.

Tổng kết

Hệ thống biển báo giao thông đường bộ theo quy định của luật giao thông việt nam bao gồm 5 nhóm biển báo: Biển báo cấm, biển báo nguy hiểm, biển hiệu lệnh, biển chỉ dẫn và biển phụ.

Trên đây là bài phân tích đến từ các chuyên gia của Thi Lý Thuyết B2 về các loại biển báo cũng như cung cấp hình ảnh đầy của cả 5 nhóm biển báo này.

Nguồn ảnh: Chính thức từ tài liệu ôn thi của Bộ Giao Thông Vận Tải.

TIN TỨC LIÊN QUAN